Một buổi sáng thứ 7 cuối tuần, như thường lệ, niềm vui của mình là dọn nhà cửa, gấp quần áo, lau chùi bàn ghế, giá sách. Nhìn thấy quyển “Tâm lý học về tiền” trên giá sách, mình lại nhớ đến căn nhà hiện tại mình đang ở. Mình mua quyển này với giá chưa đến 200 nghìn đồng, nhưng nó đã mang đến cho vợ chồng mình 1 quyết định lớn lao khi mình gấp những trang cuối cùng lại. Đó chính là mua nhà. Với giá chưa đến 200 nghìn đồng nhưng nó giúp vợ chồng mình tiết kiệm được 900 triệu đồng. Vì nếu không đọc quyển này, vợ chồng mình vẫn còn trì hoãn việc mua nhà để tiền đầu tư những thứ khác. Nếu vẫn dồn hết tiền đầu tư từ ngày đó, thì bây giờ giá nhà chung cư tăng cao, bất động sản vỡ bong bóng, chứng khoán liên tục nằm sàn, chắc mình chỉ biết khóc và sống trong lo sợ.

Bài review dưới đây mình viết khi mình đọc xong sách đã lâu nhưng chưa khi nào mình chia sẻ nó trên Fb. Hôm nay, nhân một ngày cuối tuần thảnh thơi, mình chia sẻ với cả nhà

Tâm lý học về tiền – Morgan Housel

Trên hành trình phát triển bản thân để đồng hành cùng con không thể thiếu kiến thức và tư duy về tài chính cá nhân. Mình biết đây là yếu điểm của mình nên mình nỗ lực tìm hiểu kiến thức thông qua đọc sách để thay đổi tư duy. Mình hiểu rằng nếu chính bản thân mình không thay đổi thái độ và tư duy đối với đồng tiền thì theo một cách nào đó mình sẽ lại tiếp tục truyền sang con mình tư duy nghèo khó và thái độ không đúng đối với đồng tiền. Có rất nhiều sách dạy về tư duy làm giàu, dạy về các cách để tự do tài chính nhưng đây là lần đầu tiên mình gặp một cuốn sách dạy về cách để bình an với tiền. “Tâm lý học về tiền” giải mã tâm lý của con người đối với đồng tiền. Nó giải thích tại sao có những người ở trên đỉnh thành công rồi nhưng họ không bao giờ thỏa mãn để rồi họ lại mất hết sự nghiệp và lựa chọn cách tự tử để kết thúc cuộc đời. Tất cả nằm ở tâm lý của con người.

Tâm lý học về tiền được viết bởi tác giả Morgan Housel, một cây viết nổi tiếng về tài chính cá nhân. trước đây ông ấy là một nhà báo chuyên mục cho Wall Street Journal và Motley Fool. Ông là người 2 lần đạt giải thưởng Kinh doanh Xuất sắc nhất của Hiệp hội Nhà văn và Biên tập kinh doanh Hoa Kỳ, người chiến thắng New York Times Sidney Award.

Và dưới đây là những cảm nhận và bài học mình rút ra từ quyển sách

Mình hiểu được rằng mọi người có những quan điểm và thái độ khác nhau đối với tiền là bởi vì họ xuất phát từ những nền tảng rất khác nhau và họ trải nghiệm những thứ rất khác nhau. Những điều họ trải nghiệm trong quá khứ sẽ đóng góp một phần rất lớn đến quyết định đầu tư của họ. Do đó tốt nhất là chúng ta không nên phán xét về cách một ai đó sử dụng đồng tiền của họ.

Mình học được rằng mọi kết quả trong cuộc sống đều được dẫn dắt bởi thứ khác ngoài nỗ lực cá nhân: Đó là may mắn và rủi ro. May mắn và rủi ro là anh em ruột thịt. Bởi vì thế giới quá phức tạp để cho phép 100% hành động của bạn điều khiển 100% kết quả mà bạn nhận được. Nhưng may mắn và rủi ro rất khó đong đếm và khó để chấp nhận khi nói về thành công. Khi đánh giá người khác, kết nối thành công của họ với sự may mắn khiến bạn trông có vẻ ghen tỵ và xấu tính.

Mình học được về chữ “Đủ”. Đủ không có nghĩa là chấp nhận bảo thủ không cần phát triển mà “Đủ” có nghĩa là không bất chấp làm điều gì vượt quá giới hạn đến mức độ phải đánh đổi những điều quan trọng với bản thân mình như gia đình, sự nghiệp, con cái, mối quan hệ, sự tự do, niềm hạnh phúc.

Mình học được rằng kiếm tiền và giữ được tiền là 2 kỹ năng hoàn toàn khác nhau. Kiếm tiền đòi hỏi phải chấp nhận rủi ro, lạc quan và lao mình ra thị trường nhưng giữ tiền thì yêu cầu điều ngược lại. Giữ tiền yêu cầu sự khiêm nhường và nỗi sợ rằng những gì bạn kiếm được có thể bị tước đi trong chớp mắt.

Mình được củng cố về khái niệm lãi suất kép. Trong quá trình làm giàu, chúng ta thường coi nhẹ sự tích lũy nhỏ mỗi ngày. Chúng ta chỉ muốn làm cái gì thật to, kiếm tiền thật nhanh trong thời gian thật ngắn. Có hơn 2000 cuốn sách đã viết để giải mã cách mà Warren Buffet xây dựng gia tài nhưng rất ít cuốn chú ý đến sự thật đơn giản: Gia tài của Buffet có được không chỉ nhờ vào việc ông là một nhà đầu tư tài giỏi, mà còn là việc ông trở thành nhà đầu tư tài giỏi từ khi ông mới chỉ là một đứa trẻ. Có thể thấy toàn bộ thành công tài chính của Warren là nhờ nền tảng tài chính mà ông đã xây dựng trong những năm tuổi trẻ và sự bền bỉ mà ông đã duy trì trong những năm tuổi già. Kỹ năng của ông là đầu tư, nhưng bí mật của ông là thời gian. Và sức mạnh của lãi suất kép chính là thời gian.

Điều cuối cùng, cũng là điều sâu sắc nhất mình học được từ cuốn sách. Đó chính là giá trị thực sự của tiền. Giá trị nội tại cao nhất mà tiền mang lại chính là khả năng kiểm soát thời gian. Dạng thức cao nhất của sự giàu có là khả năng thức dậy vào mỗi sáng và nói “Tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn vào ngày hôm nay”. Hơn cả mức lương cao, hơn cả kích thước ngôi nhà, hơn cả vị thế công việc. Kiểm soát được việc bạn muốn làm, khi bạn muốn, với người bạn yêu mến, là biến số rộng lớn nhất khiến con người hạnh phúc và đó cũng chính là giá trị cao nhất của tiền.

Mình trằn trọc rất lâu để có thể viết ra những cảm nhận và bài học này nhưng dù có thế nào mình thấy nó vẫn chưa lột tả hết được những cái hay và sâu sắc của quyển sách. Thực sự rất recommend mọi người đọc quyển này để có thể bình an với tiền dù chúng ta đang ở quãng nào đó trên hành trình tài chính của bản thân.

Leave A Comment