Con trai lâu lâu mới được ăn mỳ tôm. Mẹ đưa cho tiền rồi háo hức đi xuống siêu thị mua mỳ

Mở cửa ra rồi đóng vào nhanh quá khi chân chưa kịp bước, cửa kẹp vào chân đau điếng, không dám khóc to nhưng mẹ biết là rất đau, mẹ gọi vào mẹ thổi cho đỡ đau, mẹ bảo là hồi nhỏ mẹ cũng bị kẹp chân kiểu này rồi đau lắm 🥲 kể cả giờ khi mẹ lớn, thỉnh thoảng mẹ vẫn bị kẹp chân như này

Được đồng cảm, con trai khóc to hơn, nước mắt chảy thành giọt xuống tay mẹ.

Tự đi mua mỳ tôm về, tự cắm nước sôi, tự úp mỳ. Đói lắm rồi, đến khi mỳ chín, mở bát kiểu gì mà lại đổ hết mỳ xuống sàn 😭

Với vẻ mặt kiểu vô cùng, vô cùng buồn kèm nước mắt mếu máo ra bảo mẹ “con không hiểu tại sao mỳ lại đổ mẹ ạ” 😭

Mẹ nóng hết người, bực lắm, cáu lắm, bản năng muốn tuôn ngay ra 1 tràng: con làm kiểu gì vậy? Sao con cứ nhanh nhanh nhảu nhảu thế? Không hiểu tại sao cái gì? Do con làm đổ chứ tự dưng làm sao bát mỳ nó tự đổ

Nhưng rồi mình cũng đã kịp bình tĩnh lại, kịp nhận ra những ngôn từ nhảy múa trong đầu mình là những câu nói tuổi thơ mình đã phải nghe rất nhiều lần, nó nằm sẵn trong tiềm thức rồi, có dịp là trồi lên thôi. Kịp nhận ra, không xả những câu nói đó với con nữa mà chuyển hoá thành sự đồng cảm

Đồng cảm với con rằng: chẳng ai muốn thế, đã rất đói rồi chẳng ai muốn làm đổ bát mỳ cả, chỉ là đôi bàn tay nhỏ còn vụng về. Bản thân mình là người lớn cũng nhiều lần lỡ tay rơi đồ mà chẳng vì một lý do cụ thể nào cả. Ông bà, bố mẹ làm đổ vỡ thì cũng chỉ thở dài rồi đi dọn chứ chẳng ai trách móc, mắng mỏ. Mình gào lên, trách móc, mắng mỏ con vừa không giải quyết được vấn đề, vừa không công bằng với con. Mình đã từng là đứa trẻ 3 tuổi vụng về, lóng ngóng chứ con chưa được là người lớn 30 tuổi với đôi tay thuần thục như mình

Vụng về, lóng ngóng là một phần tất yếu của quá trình học hỏi, luyện tập và làm quen với bất kỳ 1 kỹ năng mới nào. Mà thực ra kể cả khi đã thành thạo cũng không thể tránh khỏi những lúc lỡ tay làm rơi hỏng, đổ vỡ

Khi con còn nhỏ, còn ở bên cạnh mình, nếu không cho phép con được vụng về, lóng ngóng, đổ vỡ, nếu sợ con làm hỏng mà làm hết thay cho con thì sẽ chỉ tạo ra một đứa trẻ sợ sai, sợ mắc lỗi, sợ rủi ro, sợ không dám làm gì cả. Lúc nhỏ được phép sai mà không cho con sai thì trưởng thành lại phải trả giá đắt cho sai lầm. Lúc nhỏ con còn bên cạnh mình, mình còn có cơ hội để làm gương, để hướng dẫn chứ khi con rời xa vòng tay mình rồi là chịu

Mỗi khi con vụng về, lóng ngóng, mình sẽ đồng cảm, sẽ động viên con làm lại, sẽ chỉ ra sai chỗ nào để tìm cách giải quyết vấn đề. Đồ đạc đổ vỡ cũng chẳng là gì so với tư duy sợ sai, sợ bị mắng, sợ không dám làm ăn sâu vào tiềm thức của con

Làm sai, làm chưa tốt, thậm chí là thất bại cũng là bối cảnh tốt để rèn luyện con người. Con học được cách đối diện với vấn đề. Nếu được bố mẹ bao dung, đồng cảm với những lỗi lầm thì sau này ra đời con cũng biết bao dung với lỗi lầm của chính mình và mọi người xung quanh.

Thế nên, nuôi con nhỏ cứ xác định bát đĩa vỡ, đồ đạc hỏng hóc là bình thường ạ 😂

Leave A Comment