Học cái gì hay làm cái gì, nếu biết rõ ràng được lý do tại sao bắt đầu, thì trên hành trình ấy, dẫu có khó khăn, dẫu muốn bỏ cuộc, mình lại quay về lý do tại sao mình lựa chọn nó. Đối với Bon, hành trình bồi đắp niềm yêu thích đọc sách, học tiếng Anh, hay là piano, mình đều đi rất chậm, kiên trì, bền bỉ và dựa trên những lý do rất chắc chắn tại sao. Con không có nhiều thời gian để cho mình thử nghiệm hay nhồi nhét quá nhiều thứ.

Mình đã từng chia sẻ cuốn sách “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu” của tác giả Hồ Thị Hải Âu là cuốn sách gối đầu giường của mình. Chính nhờ cuốn sách này mình hiểu được triết lý “ Học để phát triển tố chất chứ không phải có tố chất mới học”. Học piano hay bất kể loại nhạc cụ nào khác đều giúp ích cho não bộ để từ đó con có thể phát triển tốt những kỹ năng khác. Gia đình mình, cả nội và ngoại, đều không ai có năng khiếu âm nhạc. Bon học piano cũng không phải để sau này đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp, con học piano để phát triển tố chất. Đó là lý do đầu tiên

Lý do thứ 2, nghiên cứu khoa học đã chứng minh, sự thuần thục và hoàn chỉnh trong phát triển của hai bán cầu đại não người có liên quan chặt chẽ tới hoạt động của hai tay. Bán cầu não phải tư duy hình tượng, hình ảnh, nghệ thuật, ngôn ngữ… có liên quan đến sự thuần thục của tay trái. Bán cầu não trái thiên về tư duy logic, phân tích, tuyến tính, toán học, khoa học… có liên quan đến sự thuần thục của tay phải. Ngoài ra, trong quá trình tiến hoá, xu hướng sử dụng tay phải nhiều hơn trong hầu hết mọi hoạt động. Các công cụ lao động, đồ vật được sản xuất cho người thuận tay phải. Thực tế này dẫn đến bán cầu não trái được tập dượt nhiều hơn, thuần thục hơn bán cầu não phải. Do đó, tập luyện cùng chiếc đàn piano là một giải pháp tuyệt vời giúp đứa trẻ cân bằng lại sự thuần thục của hai bán cầu não vì piano là nhạc cụ đòi hỏi người tập luyện phải sử dụng hai bàn tay cân bằng; mỗi ngón tay đảm nhiệm những nhiệm vụ và các phím khác nhau nhưng nhìn chung đều phải làm việc ngang nhau về cường độ, độ khéo léo, cũng như độ nhanh nhạy. Điều đó rèn luyện hai bán cầu não của trẻ sự thuần thục tương đương, không bị thiên lệch.

Lý do thứ 3 khiến mình thực sự bị thuyết phục để đầu tư cho con học piano đó là có mối liên hệ khăng khít giữa âm nhạc hàn lâm với toán học. Cả âm nhạc hàn lâm và toán học đều yêu cầu một dạng phẩm chất trong tư duy đó là tính tập trung cao độ, tính kỷ luật trong nghiên cứu, tìm tòi và khổ luyện.

Với 3 lý do trên mình thấy thật sự rõ ràng và thuyết phục để bắt đầu bộ môn này cùng con. Sau khi tìm hiểu mua đàn, tìm giáo viên dạy, Bon bắt đầu học piano khi con được 5 tuổi 7 tháng, độ tuổi phù hợp để có thể ngồi học nghiêm túc và hiểu được hướng dẫn của giáo viên.

Leave A Comment